Ẩm thực và sức khỏe

Bánh chưng: Món ăn truyền thống chứa nhiều vị thuốc dân gian

Các vị thuốc trong bánh chưng
Mất:4 phút, 52 giây để đọc.

Mỗi độ xuân về, hầu hết các gia đình đều quây quần bên nhau, sau khi gói bánh chưng là chuẩn bị mâm cỗ đón giao thừa. Những chiếc bánh chưng vuông vắn được gói trong lá dong không chỉ là một món ăn. Mà còn là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Hương sắc giản dị này có liên quan đến những truyền thuyết lâu đời của dân tộc và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh.

“Thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ
Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”

Đây là những câu đối quen thuộc được bao thế hệ dùng để nói về những nét đặc trưng nhất trong ngày Tết của người Việt. Đặc biệt, chiếc bánh chưng xanh đã trở thành biểu tượng của nền ẩm thực truyền thống mỗi dịp Tết của đất nước và được bạn bè năm châu biết đến.

Trong y học, tất cả các nguyên liệu tạo nên Bánh chưng đều là những vị thuốc dân gian, rất gần gũi với đời sống hàng ngày. Vậy những vị thuốc đó là gì và có tác dụng như thế nào? Hãy cùng tham khảo qua bài viết này nhé!

Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Ý nghĩa bánh chưng trong ngày Tết cổ truyền của người Việt

Theo quan niệm từ thời xa xưa, chiếc bánh chưng của người Việt có hình vuông, tượng trưng cho đất. Bánh chưng được làm từ gạo nếp trắng ngần với phần nhân có đậu xanh, thịt mỡ, hành, tiêu… Tất cả được bọc trong lớp lá dong xanh mướt và được buộc chặt bằng những sợi lạt mềm dẻo với tạo hình vuông vức, đẹp mắt.

Người Việt Nam từ xa xưa đã sống trong nền văn hóa lúa nước; phải phụ thuộc thiên nhiên rất nhiều. Vì thế, chiếc bánh chưng trong mâm cỗ ngày Tết mang ý nghĩa thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa; để mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Không chỉ thế, bánh chưng ngày Tết còn được bày lên bàn thờ cúng để thể hiện lòng hiếu kính của con cháu với tổ tiên; cùng những người đã khuất.

Bánh chưng cũng là món quà biếu Tết ý nghĩa mà người Việt thường dùng để đi biếu người quen, họ hàng. Hoặc được bày cùng các vật dụng khác trên mâm ngũ quả ngày Tết; để thể hiện cho sự tương sinh tương khắc trong ngũ hành.

Các vị thuốc trong bánh chưng

Lá dong

Lá don có vị ngọt nhạt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt

Vị ngọt nhạt, tính hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương quyết, lợi tiểu, làm se.

  • Chữa say rượu: lá dong tươi 100g, rửa sạch, giã nát, ép lấy nước uống. Dùng riêng hoặc phối hợp với lá non sắn dây. Có thể dùng cuống lá dong cũng được.
  • Chữa ngộ độc: đọt lá dong 50g, rửa sạch, giã nát, thêm nước, gạn uống. Ngày làm 2 – 3 lần.
  • Chữa vết thương: lá dong 100g, rửa sạch, giã nhỏ, đắp băng. Nếu vết thương chảy máu sẽ cầm lại ngay.
  • Chữa rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần trong ngày: lá dong đốt tồn tính, mỗi lần uống 20g với nước sôi để nguội. Ngày uống 2-3 lần.

Các thành phần trong chiếc bánh chưng đều là những vị thuốc dân gian.

Gạo nếp

Bánh chưng làm từ gạo nếp

Gạo nếp (ngạch mễ): có vị ngọt, thơm, mềm dẻo, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị.

Để chữa nôn mửa không dứt, Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng gạo nếp 20g sao vàng, gừng tươi 3 lát; sắc với 200ml nước còn 50ml, uống trong ngày. Cũng với công dụng trên, kinh nghiệm dân gian lại dùng gạo nếp 12g phối hợp với mạch môn 12g; đảng sâm 12g, bán hạ chế 6g, cam thảo 4g, nấu nước uống. Nước gạo rang được dùng chống tiêu chảy.

Cháo gạo nếp nấu suông gọi là cháo hoa có tác dụng “mát ruột”, dùng cho những trường hợp “nặng bụng”. Nếu nấu nhừ với móng giò lợn là món ăn – vị thuốc cổ điển và phổ biến làm tăng tiết sữa.

Đỗ xanh (lục đậu)

Đỗ xanh có rất nhiều chất dinh dưỡng

Phần ăn được của hạt chứa protein 22-23,4%, lipid 1 – 2,4%, carbohydrat 53 – 60%, các acid amin; các vitamin A, B1, B2, PP, B6 và nguyên tố vi lượng. Dược liệu có vị ngọt, hơi tanh, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu khát, điều hòa ngũ tạng.

Người xưa đã biết phòng chống các bệnh viêm nhiệt về mùa hè bằng cách nấu nước uống với 3 loại đỗ xanh, đỗ đen và đỗ đỏ (lượng bằng nhau). Hạt đỗ xanh nấu với gạo nếp thành cháo, thêm đường; ăn hằng ngày chữa háo nhiệt, cồn cào, đái dắt, nôn ọe khi có thai. Đỗ xanh tán thật nhỏ, trộn với giấm đắp chữa sưng tấy; phát nóng, đau nhức.

Để giải độc, lấy đỗ xanh cả vỏ, 2 phần; cam thảo 1 phần, sắc lấy nước uống. Vỏ hạt đỗ xanh (lục đậu bì hay lục đậu xác); y học cổ truyền dùng vỏ hạt đỗ xanh phối hợp với sinh địa, huyền sâm, thạch cao, huyền minh phấn, cam thảo, mỗi vị 10g. Phơi khô, nghiền nhỏ, sắc với 400ml nước còn 100ml. Uống làm 2 lần trong ngày chữa sốt cao, mê man, co giật.

Theo kinh nghiệm dân gian, vỏ hạt đỗ xanh phơi khô, nhồi vào túi vải để gối đầu tạo cảm giác mát dễ chịu, chống nhức đầu, nhất là về mùa nóng ẩm.

Ngoài ra, thịt lợn và các gia vị làm thơm như hạt tiêu, thảo quả cũng là những vị thuốc dân gian quen thuộc.

Nguồn: chiecthiavang.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.