Dinh Dưỡng, Dinh Dưỡng cho người bệnh

Chế độ ăn uống khoa học đối với bệnh nhân thận mãn tính giai đoạn cuối

Chế độ ăn uống khoa học đối với bệnh nhân thận mạn giai đoạn cuối
Mất:7 phút, 7 giây để đọc.

Đối với bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính thì chế độ dinh dưỡng vô cùng quan trọng góp phần tăng sức đề kháng và hỗ trợ tích cực cho quá trình điều trị bệnh.

Theo các chuyên gia y tế thì bệnh thận mãn tính ngày càng gia tăng trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Theo nghiên cứu mới được công bố năm 2018, trên thế giới có khoảng hơn 276 triệu người mắc bệnh thận mạn. Đây là con số đáng báo động đối với căn bệnh này. Theo đó, tại Mỹ căn bệnh này ở người trưởng thành là 14,8%. Còn tại Việt Nam, con số này là 6,73%.

Nguyên nhân của bệnh thận mãn tính

Bệnh thận mạn được xác định khi có bất thường về cấu trúc hoặc chức năng thận; xuất hiện và tồn tại trên 03 tháng. Bệnh thận mạn không được quản lý và điều trị tốt sẽ để lại nhiều biến chứng nặng nề, cũng như tiến triển nhanh đến suy thận mạn giai đoạn cuối.

Việc điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối ngoài việc lựa chọn biện pháp thay thế thận; thuốc, thì chế độ dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng.

Hiện nay, có 3 phương pháp điều trị bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối đó là: lọc màng bụng; thận nhân tạo và ghép thận. Trong đó, phương pháp thận nhân tạo là được ưa chuộng hơn hẳn vì kinh tế và hiệu quả. Như vậy, vấn đề đặt ra đó là chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân bệnh thận mạn giai đoạn cuối có thận nhân tạo như thế nào cho hợp lý để đạt được hiệu quả điều trị tối ưu.

Nguyên nhân của bệnh thận mãn tính

Nguyên tắc dinh dưỡng cho bệnh nhân suy thận trước chạy thận

Nguyên nhân gây nên bệnh thận mạn là do sự bất thường về cấu trúc hoặc chức năng của thận kéo dài trên 3 tháng tác động tiêu cực đến sức khỏe. Có khoảng 10-13 % dân số mắc bệnh này. Nguyên tắc dinh dưỡng dành cho những người bệnh thận mạn trước chạy thận như sau:

Protein (chất đạm)

Sử dụng khoảng 0,6-0,8g/kg/ngày. Tùy thuộc vào mức độ của bệnh, áp dụng nhu cầu protein trong khẩu phần sẽ có sự khác nhau. Nên ưu tiên các loại đạm có giá trị sinh học cao như cá, trứng, thịt nạc, sữa. Giảm đạm trong khẩu phần ăn giúp làm chậm tiến triển của bệnh đến suy thận mạn giai đoạn cuối;

Năng lượng

Nhu cầu về năng lượng khoảng từ 35-40 kcal/kg/ngày;

Chất béo

It hơn 30% tổng năng lượng khẩu phần;

Phốt pho

Mỗi ngày nên bổ sung từ 300-600 mg;

Canxi

Mỗi ngày nên bổ sung từ 900-1200 mg;

Natri

Khoảng từ 1000-2000 mg/ ngày tùy thuộc vào mức độ phù và huyết áp;

Sắt

Khi bệnh nhân thực hiện chế độ ăn chay hoặc chế độ ăn giảm đạm, cần phải bổ sung thêm sắt;

Kali

Bổ sung khoảng từ 2000-3000 mg/ ngày; khi có tăng kali trong máu, phù hay tiểu ít thì hạn chế dưới 1000 mg. Trong bữa ăn, không nên uống quá nhiều nước canh vì có chứa nhiều kali;

Vitamin

Nên bổ sung các vitamin tan trong nước như vitamin B, vitamin C, nếu bệnh nhân có những biểu hiện của loạn dưỡng xương hoặc cường phó giáp thì có thể bổ sung thêm vitamin tan trong chất béo, chẳng hạn như vitamin D3;

Muối

Nên hạn chế muối trong chế biến các món ăn;

Nước

Cân bằng lượng nước vào và lượng nước ra;

Dinh dưỡng cho người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ

Dinh dưỡng cho người bệnh chạy thận nhân tạo chu kỳ

Người chạy thận nhân tạo cần thực hiện chế độ ăn theo nguyên tắc cơ bản là năng lượng cao; giàu đạm; canxi, hạn chế nước, ít phosphor, ít kali, đủ vitamin.

Đảm bảo đủ năng lượng

Nhu cầu năng lượng cho người chạy thận khoảng 30-35kcal/kg/ngày. Một người 50kg thì cần: 50×35 = 1750 kcal/ ngày. Năng lượng từ chất đạm 15–20%; năng lượng từ chất béo 25-35% (48-68g), năng lượng từ tinh bột 50-60% (218- 262g).

Trước khi lọc thận nên ăn một bữa ăn đủ chất (cơm, cháo kèm với thịt; cá,trứng, rau củ…), nếu bệnh nhân ăn kém thì thay thế bằng 1 ly sữa hoặc bột ngũ cốc giàu năng lượng và đạm để cung cấp đủ dinh dưỡng; bù chất đạm bị thất thoát đồng thời đề phòng hạ đường huyết trong và sau khi lọc.

Giàu chất đạm

Nhu cầu đạm của người chạy thận khoảng 1.2-1.4g/kg/ngày. Trong đó đạm từ động vật/ tổng số đạm > 50%. Như vậy với một người 50kg thì cần 60g-70g đạm mỗi ngày.

Một số thực phẩm giàu đạm:

Thực phẩm Lượng protid (g)
100g thịt heo 18-22
100g thịt bò 21
100g thịt gà 20
1 quả trứng gà 6-7
1 hộp sữa bò tươi(180ml 7
1 ly sữa nepro2 (200ml) 9.6
Cá các loại 17.5

Trung bình mỗi ngày cần khoảng 120g – 150g thịt hoặc cá nạc, 1 quả trứng gà, 1 ly sữa nepro 200ml,…để cung cấp đủ lượng đạm từ động vật, phần thiếu hụt còn lại sẽ được bổ sung từ thực vật như gạo; bún, phở, rau củ…

Hạn chế muối

Bệnh chạy thận thường đi kèm với tình trạng quá tải thể tích và tăng huyết áp do đó việc hạn chế muối trong khẩu phần ăn là cần thiết. Theo các khuyến cáo; lượng muối ăn vào mỗi ngày của người chạy thận không  nên quá 2-3g  tương đương khoảng 10-15ml nước mắm. Trong bữa ăn hằng ngày, nên hạn chế ăn các loại thực phẩm như: cá mắm, dưa cà muối mặn, thịt hun khói, các loại rau quả đóng hộp; mắm tôm, thịt cá đóng hộp, thịt sấy khô; các loại thức ăn chế biến sẵn.

Hạn chế nước

Đối với bệnh nhân còn tiểu nhiều thì lượng nước nhập vào cơ thể được tính dựa vào lượng nước tiểu của bệnh nhân cụ thể như sau:
Lượng nước nhập vào cơ thể (kể cả từ nước uống, nước trong thức ăn…) = Lượng nước tiểu + 600ml – 800ml (lượng nước mất qua hô hấp và qua da).

Nước từ thức ăn (canh, súp, cháo, sữa, yaourt, trái cây …, ) chiếm khoảng phân nửa nhu cầu nước. Nên uống từng ngụm nước; rải đều trong ngày. Một chén canh, súp, 1ly sữa tương đương 200ml nước.

Uống ít nước canh và nước rau quả vì có nhiều muối và kali.

Đối với bệnh nhân thiểu; vô niệu, lượng dich đưa vào nên hạn chế khoảng 1-1,5l/24h. Đảm bảo cân nặng tăng lên giữa 2 lần chạy thận liên tiếp không quá 2,5kg.

Hạn chế kali

Hạn chế  kali

Kali là một chất được tìm thấy trong nhiều loại thức ăn mà đặc biệt là từ hoa quả và rau củ. Kali đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp tim bình thường và sự co cơ. Tuy nhiên khi suy thận; khả năng đào thải  kali qua nước tiểu giảm, do vậy người bệnh cần phải hạn chế một số thức ăn nhất định mà có thể gây ra tình trạng tăng kali máu. Tăng kali máu có thể gây nên yếu cơ, rối loạn nhịp, thậm chí ngưng tim.

Nhu cầu kali của người chạy thận không quá 2g/ ngày.

Để hạn chế việc tăng kali máu cần:

– Ăn nhiều loại thức ăn nhưng với số lượng vừa phải.

– Lựa chọn thức ăn; rau củ có chứa ít kali như măng tây, búp cải xanh (sống hoặc được nấu sau khi đông lạnh); búp cải trắng, cà rốt, bắp cải, cần tây, dưa leo, rau diếp, nho, táo tây, lê …

– Hạn chế những rau quả nhiều kali như: các loại quả khô, sầu riêng, mơ, cam, chuối, bơ; đậu tương, đậu xanh, khoai tây, cà chua, măng; bí ngô, rau khoai lang, rau muống …

– Chế biến  các loại rau; củ để giảm kali: cắt nhỏ, ngâm hoặc nấu với hai lần nước, hoặc luộc bỏ nước.

– Mỗi ngày có thể dùng 100-150g rau củ và 100g trái cây tươi.

– Không dùng các loại nước từ trái cây, rau củ.

Nguồn: Benhvientinh.quangtri.gov.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.